Cây nha đam giúp nông dân ở Bà Rịa- Vũng Tàu “đổi đời”

01/03/2023
Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu chuyển đổi cây trồng từ cây tiêu sang cây nha đam và khá lên nhờ sự chuyển đổi này.
So với trồng tiêu, trồng nha đam có vốn đầu tư ít hơn, không tốn công nhiều mà đầu ra lại khá ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, cây nha đam đang là một hướng đi mới cho nông dân Châu Đức trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trồng nha đam thu nhập cao Ông Trần Lưu Thụy ở xã Bình Giã, huyện Châu Đức là người đầu mang giống cây nha đam Mỹ về trồng trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước đó, gia đình ông sống bằng vườn trồng tiêu và cà phê với thu nhập ổn định. Nhưng vài năm nay, hồ tiêu liên tục mất giá, còn cà phê thì già cỗi, năng suất kém và muốn trồng lại thì tốn rất nhiều tiền. Cách đây 3 năm, tìm hiểu trên internet, ông Thụy biết được cây nha đam dễ trồng, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lại rất lớn. Từ đó, ông tính toán rồi quyết định nên nhập từ Mỹ về 1.000 cây nha đam, trồng thử nghiệm trên diện tích 300m2.
 
 
Theo ông Thụy, lúc đầu thu hoạch, mỗi ngày ông cắt được khoảng 50kg nha đam và chủ yếu bán cho người dùng quanh vùng. Năm 2019, ông Thụy mở rộng diện tích trồng nha đam lên 5 sào và năng suất ổn định 3 tấn/sào thì cũng là lúc các doanh nghiệp chế biến nước giải khát vào thu mua lá với giá từ 2.700 – 4.000 đồng/kg. Bây giờ, chỉ riêng vườn nha đam, ông Thụy đã có thu nhập ổn định hơn 120 triệu đồng/năm. “Lúc đó tôi nhập về trồng thử, chủ yếu cho cây sống trên đất rồi tính sau, giờ ổn rồi. Thời điểm từ tháng 11 đến tháng 5 là nhu cầu tiêu thụ hàng nhiều nên các công ty rất thiếu nguồn nguyên liệu lá nha đam nên đẩy giá lên rất cao, có khi mua từ 4.000 – 5.000 đồng/kg lá, mỗi tháng mình thu mỗi cây 1 kg lá” – ông Thụy chia sẻ. Cũng như ông Thụy, ông Hoàng Cung, thôn Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức chia sẻ, do tiêu mất giá liên tục nhiều năm liền nên 4 ha tiêu của gia đình ông bị thất thu. Ông Cung tìm hiểu qua nhiều loại cây trồng như chanh dây, gấc… nhưng thấy không khả thi. Cuối cùng, ông quyết định trồng nha đam.
 
 
Tháng 5/2018, ông đầu tư 40 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới, cây giống và bắt đầu trồng thử nghiệm 1 sào nha đam ngay trên vườn tiêu kém hiệu quả. Sau 10 tháng, nha đam cho thu hoạch lứa đầu tiên. Ông Cung tính toán, dù tỷ lệ cây bị thối ở vụ đầu là 30%, nhưng năng suất vẫn còn 3 tấn/sào, với giá hơn 4.700 đồng/kg lá, cộng với tiền bán cây giống, ông vẫn lời gần 40 triệu đồng. Vì vậy, năm ngoái, ông Cung đã đầu tư trồng thêm hơn 2 sào nha đam. “Cây nha đam giá 2.000 đồng/kg là đã có lời rồi, một sào đất của tôi thu hoạch từ lá tầm 20 triệu đồng, còn bán cây giống từ 15 – 18 triệu đồng nên chỉ cần 1 năm sau là có thể thu hồi vốn. So với cây tiêu thì thu nhập vượt xa, cây tiêu thì 1 năm sau mới thu hoạch còn nha đam hàng tháng đã có thu nhập, chỉ cực chăm sóc lúc đầu”, ông Cung phấn khởi nói. Hướng đến canh tác tập trung Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây nha đam, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã khuyến khích hội viên mở rộng thêm diện tích trồng. Từ vài sào đất ban đầu của một vài hộ, đến nay cả huyện Châu Đức đã có 70 hộ nông dân trồng gần 10 ha nha đam, ở khắp các xã Bình Ba, Suối Nghệ, Kim Long, Sơn Bình, Suối Rao…
 
 
Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Châu Đức cho biết, để hỗ trợ đầu ra ổn định cho nông dân trồng nha đam, Hội đang liên hệ với các doanh nghiệp thu mua, bàn bạc việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Theo ông Động: “Sau khi cây tiêu chết nhiều người dân nghiên cứu trên mạng mua giống bên nước ngoài về trồng. Hiện chúng tôi đang liên hệ với các doanh nghiệp ở Bình Dương, Ninh Thuận và Tiền Giang để ký kết với nông dân về đầu ra. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thành lập các tổ hợp tác, cho vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển cây nha đam khoảng 50 ha từ nay đến năm 2023”. Từ năm 2018, HĐND huyện Châu Đức cũng đã có nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản, trong đó có hỗ trợ người trồng nha đam. Đến nay, các mô hình được hỗ trợ có hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 
 
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu cho biết, về lâu dài, huyện đang hướng nông dân trồng nha đam theo khu vực, theo cụm để thuận tiện trong canh tác cũng như thu mua của các doanh nghiệp. Huyện Châu Đức cũng sẽ tư vấn vị trí cho các doanh nghiệp để xây dựng nhà máy chế biến nha đam và các nông sản khác ngay trên địa bàn. “Hiện nay cây tiêu vẫn là cây chủ lực của địa phương, tuy nhiên giá tiêu xuống thấp bà con cầm cự nhiều năm qua nên xu hướng phải chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hướng của huyện là sẽ chọn bà con trồng nha đam tham gia vào chuỗi liên kết, tập trung để thuận tiện chuyển giao kỹ thuật, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và vận chuyển nông sản cũng dễ dàng” – ông Liêm cho hay. Có thể thấy, cây nha đam đang cho thu nhập ổn định và là hướng chuyển đổi mới cho nông dân tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không phá bỏ vườn tiêu mà chỉ nên chuyển đổi ở những diện tích tiêu, cà phê năng suất kém. Song song đó, người dân cần trồng nha đam theo chuỗi liên kết và tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ, để không luẩn quẩn trong vòng “trồng– chặt” theo thời giá./.